Xây dựng định chế tài chính chuyên biệt để tiếp nhận dòng vốn xanh

(DNTH) - Để tận dụng dòng vốn tài trợ cho các dự án xanh, đặc biệt là vốn ngoại, Việt Nam cần thành lập một quỹ hoặc ngân hàng chuyên biệt đ...

(DNTH) - Để tận dụng dòng vốn tài trợ cho các dự án xanh, đặc biệt là vốn ngoại, Việt Nam cần thành lập một quỹ hoặc ngân hàng chuyên biệt để làm đầu mối tiếp nhận cũng như xử lý các yêu cầu cần thiết.


Đây là gợi ý của chuyên gia tại Hội thảo Tài chính trong xu hướng chuyển dịch của dòng vốn hướng đến kinh tế bền vững, do Công ty TNHH Không vì lợi nhuận CHOICE tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh ngày 6/5.

Theo nghiên cứu của DARA International, biến đổi khí hậu có thể làm Việt Nam thiệt hại khoảng 15 tỷ USD mỗi năm, tương đương khoảng 5% GDP. Nếu Việt Nam không có giải pháp ứng phó kịp thời, thiệt hại do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến 11% GDP vào năm 2030.

Trong khi đó, mức tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam khoảng 6%/năm. Điều này cho thấy ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên nền kinh tế cũng như đời sống người dân sẽ là vô cùng lớn.



Ông Vũ Sỹ Cường, Phó trưởng môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, các hậu quả của biến đổi khí hậu như hiện tượng thời tiết cực đoan, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh… cộng với các thay đổi về chính sách, công nghệ, chuẩn mực xã hội trong bối cảnh Việt Nam và thế giới có nhiều cam kết mạnh mẽ tiến tới Net Zero sẽ tác động mạnh mẽ cả về đầu ra và đầu vào của nhiều ngành nghề. Điều này dẫn đến nguy cơ mắc kẹt tài sản, thiệt hại kinh tế cho các ngành như năng lượng, nông nghiệp, giao thông, du lịch, tài chính…

Trong bối cảnh này, việc định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững là một giải pháp cần thiết nhằm giảm thiểu sự ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế đến biến đổi khí hậu và ngược lại. Những năm gần đây, càng nhiều tổ chức tài chính công bố những cam kết về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Việt Nam cũng đã xây dựng hệ thống phân loại tài chính bền vững với Dự thảo Danh mục phân loại xanh, nhằm đóng góp cho những lợi ích bảo vệ môi trường. Tuy vậy, câu chuyện tiếp cận và tiếp nhận dòng vốn xanh vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.

Theo ông Vũ Sỹ Cường, nhu cầu vốn cho đầu tư tăng trưởng xanh ở Việt Nam rất lớn. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới ước tính giá trị hiện tại của nhu cầu đầu tư thêm vào các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2040 ở Việt Nam lên đến khoảng 6,8% GDP mỗi năm, tương đương khoảng 368 tỷ USD. Cơ hội cho vay ở các ngân hàng, định chế tài chính theo đó là rất lớn.

Hiện có xu thế dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam có sự chuyển dịch dần từ các dự án, lĩnh vực "nâu" sang "xanh". Trong số đó ngành năng lượng cần 15-16 tỷ USD mỗi năm để chuyển đổi sang "xanh".

Tuy nhiên, ông Vũ Sỹ Cường cho biết, việc tiếp cận dòng vốn này còn nhiều khó khăn do Việt Nam chưa có khung pháp lý riêng cho trái phiếu xanh cũng như chưa ban hành chính thức danh mục phân loại xanh, dẫn đến các ngân hàng rất khó triển khai tài trợ thương mại cho các dự án xanh.

Bên cạnh đó, bộ chỉ số Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) vẫn chưa thực sự được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Đồng thời, Việt Nam cũng còn thiếu nhiều quy định cho phát triển thị trường chứng chỉ carbon. Những điều này cần sớm được tháo gỡ mới có thể đẩy mạnh việc thu hút vốn cho các dự án phát triển bền vững.

Gợi mở một số giải pháp về dẫn vốn cho tăng trưởng xanh, ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho rằng, về lâu dài, hệ thống phân loại tài chính của Việt Nam cần tiệm cận đến các chuẩn mực trong khu vực và quốc tế. Cân nhắc đến lộ trình thời gian chuyển đổi xanh, giảm phát thải CO2, tận dụng nguồn vốn xanh để thu hút dòng vốn quốc tế. Bên cạnh đó, hệ thống này cũng cần đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ với các chính sách khác như thuế, phí, đấu thầu chi tiêu công xanh, thị trường carbon… Điều này sẽ giúp các ngân hàng và doanh nghiệp yên tâm trong quá trình đầu tư xanh mang lại hiệu quả.

Đặc biệt, vị chuyên gia này cho rằng, Việt Nam cần thành lập một ngân hàng hoặc quỹ chuyên biệt tiếp nhận dòng vốn quốc tế. Thị trường tài trợ vốn xanh của Việt Nam được dự báo sẽ sôi động hơn nữa trong thời gian tới khi Việt Nam cùng các nước thuộc nhóm G7 và các đối tác quốc tế khác thông qua tuyên bố chính trị thiết lập Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) vào tháng 12/2022.

Đáng chú ý, có ít nhất 15,5 tỷ USD sẽ được tài trợ dưới hình thức chủ yếu là cho vay ưu đãi trong khoảng từ 3-5 năm để hỗ trợ cho quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng. Một nửa số đó được huy động từ tài chính khu vực công với các điều khoản ưu đãi hơn thông thường. Phần còn lại được huy động và tạo điều kiện từ tài chính tư nhân để Việt Nam đạt đỉnh thải toàn bộ khí nhà kính vào năm 2030, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch.

Nhóm Các nước Đối tác quốc tế (IPG), đứng đầu là Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh ngay sau đó đã cam kết huy động từ 7,75 tỷ USD trong vòng 3-5 năm nhằm giúp Chính phủ Việt Nam triển khai JETP.

"Nhu cầu vốn cũng như nguồn vốn tài trợ cho các dự án phát triển bền vững ở Việt Nam thời gian tới sẽ rất lớn. Nếu chúng ta có một quỹ hoặc ngân hàng chuyên biệt làm đầu mối tiếp nhận dòng vốn quốc tế cho các dự án phát triển bền vững thì mới tận dụng cũng như tiếp cận được các nguồn hỗ trợ này một cách hiệu quả", chuyên gia Phạm Xuân Hòe cho biết.

Minh Tuyền 

Tin liên quan

TÀI CHÍNH 537672425435705213

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Hot in week

Recent

Comments

item