Nguồn lực phát triển nhà ở xã hội: Đâu là giải pháp?

(DNTH) - Chính sách quốc gia về xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội (sau đây gọi chung là nhà ở xã hội) là một chủ trương c...

(DNTH) - Chính sách quốc gia về xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội (sau đây gọi chung là nhà ở xã hội) là một chủ trương cấp thiết, đậm tính nhân văn. Tuy nhiên, thành quả đạt được từ chủ trương này chưa cao, trong khi nhu cầu nhà ở ngày càng cấp bách hơn.


Nhà ở xã hội được xây dựng bởi ngân sách nhà nước hoặc doanh nghiệp (DN), các tổ chức phi chính phủ với giá thấp dành cho các đối tượng chính sách như người có công, thương bệnh binh, người có thu nhập thấp.

Số liệu thống kê gần đây cho thấy, chỉ tiêu 12 triệu mét vuông nhà ở xã hội đến năm 2020 mới đạt hơn 30%. Nhìn chung, còn nhiều áp lực để phát triển nhà ở xã hội đạt chỉ tiêu, còn vận hành có hiệu quả hay không lại là một thách thức khác.

Những câu hỏi không thể bỏ qua

Khối lượng nhà ở xã hội xây dựng đã rất ít lại còn nhà ở phục vụ tái định cư sau một thời gian không lấp đầy đã xin chuyển sang căn hộ có giá kinh doanh. Vì vậy, số nhà ở xã hội thực tế càng ít hơn số liệu thống kê.

Nhà ở xã hội không đủ nhưng sao không được đón nhận? Bởi hơn 80% dân nghèo thành thị, công nhân nhập cư, sinh viên không đủ tiền để mua, chỉ thuê mướn tạm thời hoặc dài hạn. Một tỷ lệ không nhỏ người lao động còn thuê chung phòng trọ, nhà trọ hay căn hộ giá rẻ để giảm chi phí.

Đã có tình trạng ban quản lý các khu công nghiệp của một thành phố lớn làm nhà ở cho công nhân, tiện nghi khá tốt, giá biểu cũng không cao so với nhà trọ nhưng người lao động không hào hứng vào ở. Vì sao vậy? Thì ra, mỗi ngày công nhân (chủ yếu ở độ tuổi thanh niên) đã mất gần nửa thời gian “giam mình” trong nhà máy nên thời gian còn lại họ không muốn “bị nhốt” ở ký túc xá được quản lý chặt chẽ. Họ vẫn cần chút tự do sinh hoạt ở những khu nhà trọ dù tồi tàn, chật chội vẫn có “hơi thở cộng đồng” của cư dân đa tầng lớp. Sự chọn lựa của họ dù có chút cực nhọc hơn, là dễ hiểu.

Chính sách dành 20% quỹ đất bắt buộc trong các khu nhà ở để xây nhà ở xã hội có hiệu quả không khi chủ đầu tư không nhìn thấy lợi nhuận nằm trong đó? Vì thế, họ thường đối phó bằng cách chần chừ xây dựng, nếu có xây dựng thì người có thu nhập thấp cũng không đủ tiền mua.

Các gói hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội còn rất hạn chế và khó tiếp cận. Nếu tiếp cận được cũng không có tác dụng khi khả năng trả nợ là ngoài tầm vì giá nhà quá cao. Một ví dụ: vợ chồng công nhân có hai con, lương bình quân của hai người là 15 triệu đồng/tháng thì chỉ có thể chi tối đa 1 triệu đồng/tháng cho chỗ ở. Căn hộ 50m2 giá thấp nhất hiện giờ là 750 triệu đồng. Bài toán chia đơn giản sẽ cho đáp số “mù mịt” về khả năng mua nhà của đa số công nhân.

Trong khi đại đa số người lao động thu nhập thấp chỉ có khả năng thuê nhà trọ thì chủ đầu tư là DN xây dựng nhà ở xã hội chỉ nhắm vào mục tiêu bán căn hộ, bán càng nhanh càng quay vòng vốn tốt cho các khu nhà xây sau. Không ai trách được họ trong nền kinh tế thị trường, dù có định hướng tốt đẹp.

Một công ty ở TP.HCM xây nhà ở cho công nhân với tiện nghi khá tốt, giá ngang nhà trọ trong dân, nhưng thời gian dài không được ưu đãi thuế đất (tính như đất kinh doanh dịch vụ) nên dù muốn cũng không chung tay cùng Nhà nước giải quyết nơi lưu trú cho người lao động. Ai giải quyết những bất cập đó? Với số lượng lớn, lợi nhuận lớn ắt có người muốn đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội. Nhưng quỹ đất xây dựng đâu? Giao thông kết nối đâu?

Có một nguồn lực đã cân bằng mọi thứ, theo cách của nó: cuộc sống và người dân. Hàng vạn ngôi nhà đã chuyển thành nhà trọ, xóm trọ, quán cháo, quán cà phê, điểm giữ trẻ... để hàng triệu con người thành hàng xóm nương nhau ấm áp mưu sinh. Rồi những đám cưới, những tổ ấm mới, những đứa trẻ lớn lên thành thị dân. Cuộc sống lẳng lặng tự thu xếp, tất nhiên vẫn phát sinh hệ lụy. Nhưng cuộc sống không dừng lại.

Đâu là giải pháp cho nhà ở xã hội?

Khi nhắc đến vai trò của nhân dân, có lần Bác Hồ nói: “Bà con Quảng Bình thường có câu: Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tại sao khi thực hiện chủ trương xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng khả năng khổng lồ ấy?

Chiếc “đũa thần” định hướng của Nhà nước là quy hoạch sử dụng đất xây dựng nhà ở xã hội với giao thông và hạ tầng kỹ thuật kết nối. Phần còn lại có thể yên tâm với vốn xã hội hóa và sự điều tiết của quy luật cung cầu.

Ai cũng biết trong một đô thị giàu có vẫn có lối sống và mức sống đa dạng. Có quán cà phê 5 sao thì cũng có quán ăn bình dân nhưng không kém chất lượng. Nhiều người dân ở quận 1 vẫn tìm đến những con hẻm ẩm thực nổi tiếng ở quận 5, quận 10 đó thôi. Quan trọng là người dân cảm nhận an lành và hạnh phúc trong không gian sống phù hợp của họ. Và không chỉ có ẩm thực. Nhu cầu vật chất và văn hóa của cộng đồng dân cư đô thị có nhiều tầng bậc. Đơn giản là khác biệt chứ không phân biệt đối xử. Thực tế đó đã và đang tồn tại trong mọi đô thị lớn nhỏ xưa nay.

Thế nên xây dựng nhà ở xã hội mà chỉ loanh quanh căn hộ hay căn nhà là bị mất cân bằng, không phát triển được. Ngay khi có quỹ đất cho nhà ở xã hội mà không có đất cho hạ tầng kỹ thuật, phải đeo bám vào hạ tầng có sẵn hoặc không tương thích thì dân cũng khó sống, phải chuyển nhượng cho thị trường kinh doanh.

Chúng ta dễ dàng quy về một nhận định chung: mục tiêu chương trình nhà ở xã hội trước nay lấy nhà ở làm đối tượng chính là chưa thỏa đáng, thiếu động lực phát triển, tức hướng vào “con cá” mà chưa đặt trọng tâm vào chiếc “cần câu”.

Cần mở rộng chương trình nhà ở xã hội là nhà ở tiết kiệm trong hệ sinh thái đô thị phù hợp, bao gồm nhà ở xã hội, ký túc xá công nhân, sinh viên, nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phù hợp. Cần có quy hoạch sử dụng đất, quỹ đất phù hợp dành cho chương trình nhà ở xã hội với quy mô khác nhau, đồng bộ với quy hoạch chung đô thị. Và càng cần chính sách đặc thù hỗ trợ, đảm bảo cho các khu nhà ở xã hội kết nối hạ tầng kỹ thuật đô thị thuận lợi, nhất là giao thông công cộng, thu hút đầu tư hạ tầng xã hội, thương mại, dịch vụ có mức giá phù hợp.

Những khu đô thị như vậy đóng vai trò nâng đỡ bước đầu cho nhiều lớp công nhân, sinh viên, người lao động nhập cư, trí thức trẻ khởi nghiệp. Cùng với thời gian, hết lớp này đến lớp khác, họ sẽ thành đạt cùng với nhịp sống đô thị. Đô thị văn minh, phát triển liên tục, những khu đô thị này cũng sẽ dần hướng về phồn vinh và văn minh hơn.

Hãy gọi đó là những khu đô thị chuyển tiếp trong lòng đô thị luôn sôi động.

Thiên Long

Tin liên quan

BẤT ĐỘNG SÀN 7962663326317921984

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Hot in week

Recent

Comments

item