Sắc màu sặc sỡ trong nghệ thuật nhuộm độc đáo Bingata của Nhật Bản

(DNTH) - Nghệ thuật nhuộm độc đáo Bingata tại “Hawaii châu Á” Okinawa và nền văn hoá truyền thống thời RyuKyu hiếm hoi được tiết lộ trên són...

(DNTH) - Nghệ thuật nhuộm độc đáo Bingata tại “Hawaii châu Á” Okinawa và nền văn hoá truyền thống thời RyuKyu hiếm hoi được tiết lộ trên sóng truyền hình.

Tại chương trình “Khám phá thời trang Nhật Bản” tập 4, khán giả truyền hình được ngược dòng về phía nam xứ sở Phù Tang để khám phá thiên nhiên hùng vĩ với nước biển trong vắt của nơi được mệnh danh là “hòn đảo trường sinh” hay “Hawaii châu Á” - Okinawa. Thông qua việc tìm hiểu nghệ thuật nhuộm độc đáo Bingata, MC Hiền Shino và Minh Dũng cũng giải mã những bí ẩn về nền văn hoá cổ xưa của vương quốc RyuKyu.


Tại thành phố Naha - nơi được mệnh danh là cửa ngõ giao thông của Okinawa, hai bạn trẻ Việt Nam - Hiền Shino và Minh Dũng hoà vào không khí tưng bừng của lễ hội kéo co truyền thống, với sợi dây kéo đã được lập kỉ lục Guiness là sợi dây rơm lớn nhất thế giới vào năm 1995. Cũng tại đây, những manh mối về nghệ thuật nhuộm Bingata được chị Sumire - nhân viên một tiệm cho thuê trang phục Bingata hé lộ: “Màu đỏ thẫm trong chữ ‘Bin’ thể hiện cho màu sắc và chữ ‘gata’ thể hiện cho hoa văn. Ngày xưa, Okinawa là một quốc gia độc lập và được gọi là vương quốc RyuKyu. Thời điểm đó, Bingata ra đời trong quá trình giao thoa văn hoá với Trung Quốc và các nước khác nên có những hoạ tiết vẽ về động, thực vật không có ở Okinawa”.


Lần theo chia sẻ của chị Sumire, Hiền Shino và Minh Dũng đưa khán giả tìm kiếm nghệ thuật Bingata trên mỗi bộ trang phục họ gặp, từ trang phục của người thực hiện nghi lễ khai môn lâu đài Shuri - trung tâm chính trị ngoại giao văn hoá của vương quốc RyuKyu đến trang phục của nữ vũ sư tại nhà hàng Shuri Tenro với điệu múa “chào đón một sứ thần đến từ Trung Quốc khi vị vua mới lên ngôi trong triều đại RyuKyu” - vũ sư Ajimine chia sẻ.


Dạo quanh bãi biển xinh đẹp để tiếp tục đi tìm nguồn cảm hứng thiết kế cho hoa văn Bingata, hai người bạn trẻ may mắn gặp ông Shiroma - truyền nhân đời 16 của xưởng nhuộm Shiroma Bingata và được mời đến tham quan. Tại đây, khán giả được chiêm ngưỡng sự độc đáo của nghệ thuật nhuộm Bingata khi sự đặc biệt xuất phát trong từng vật dụng để hình thành một tấm vải đầy sắc màu.

Ông Shiroma cho biết: “Việc chế tác Bingata phải bắt đầu từ bản phác thảo, sau đó khắc vào giấy mẫu. Với Bingata, tôi dùng đậu phụ đã được phơi khô 3 tháng để cắt khuôn. Bởi vì Bingata là một loại nhuộm khuôn, vì vậy giấy hoa văn được dán lên vải và dùng keo để dán. Với Bingata, thuốc nhuộm được sử dụng là màu khoáng hữu cơ nhưng vải lại không thể hấp thụ thuốc nhuộm nên phải vẽ chúng bằng cách thủ công từng hoa văn một lên vải. Cọ vẽ cũng được làm từ tóc của phụ nữ và chúng tôi hoàn toàn tự làm ra nó”.


Khép lại hành trình tìm kiếm lịch sử của nghệ thuật nhuộm Bingata, Hiền Shino và Minh Dũng đã khoác lên người những bộ trang phục đầy sắc màu, hòa mình vào từng nhịp trống và điệu nhảy Eisa cùng những người bạn trẻ yêu thích văn hoá truyền thống.

Bingata đã truyền lại cho những người trẻ tuổi ở Okinawa nguồn cảm hứng bất tận với văn hoá truyền thống trên chính quê hương họ. Tình yêu với Bingata và những văn hoá độc đáo từ thời RyuKyu đã khiến người trẻ luôn muốn níu giữ lại những truyền thống đó và truyền lại cho thế hệ sau. Có thể nói, Okinawa là sự kết tinh của nhiều nền văn hoá, nhiều sắc tộc mà Bingata chính là linh hồn của lịch sử Okinawa.

Minh Tuyền 

Tin liên quan

VĂN HÓA - XÃ HỘI 2801018262838738297

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Hot in week

Recent

Comments

item