Chuyến xe nhân ái: Con trai mong muốn nghỉ học để giảm gánh nặng cho mẹ

(DNTH) - Hôn nhân tan vỡ, là người trong cuộc mấy ai không khỏi đau lòng, nhưng đáng thương nhất vẫn là những đứa trẻ, những đứa con thơ dại...

(DNTH) - Hôn nhân tan vỡ, là người trong cuộc mấy ai không khỏi đau lòng, nhưng đáng thương nhất vẫn là những đứa trẻ, những đứa con thơ dại lớn lên không trọn vẹn yêu thương.

Trong chuyến hành trình tuần này, “Chuyến xe nhân ái” gửi đến quý khán giả câu chuyện hoàn cảnh đáng thương của chị Nguyễn Mỹ Nương ở ấp Ngọc An và anh Lê Văn Cầu ấp Võ Thành Nguyên cùng ngụ xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.

Ngôi nhà cũ kỹ, xiêu vẹo này là nơi mà gia đình anh Lê Văn Cầu cư ngụ hơn 20 năm nay. Nơi đây, vẫn còn nỗi hiu quạnh vì thiếu vắng đi hình ảnh người vợ, người mẹ bởi vợ anh đã rời bỏ gia đình. Tổ ấm nhỏ bình yên từng có vợ, có chồng và 3 đứa con thơ chăm ngoan học giỏi đối với anh Cầu, giờ chỉ còn là nỗi nhớ.


Anh Cầu kể lại “Học nghề xong rồi về đây làm, ở chung với cha mẹ, lo cho cha mẹ già. 30 tuổi thì mình lấy vợ, rồi vợ xin lên Sài Gòn làm, rồi không có về luôn, tới nay cũng được 3 năm rồi. Tội nghiệp 3 đứa nhỏ nó không có được tình thương của mẹ“.

8 năm nên nghĩa vợ chồng cũng là ngần ấy năm anh Cầu vun đắp cho gia đình nhỏ. Hiện tại kinh tế gia đình chỉ dựa vào đồng tiền công từ việc sửa chữa điện tử của anh Cầu là chủ yếu.

Anh Cầu chia sẻ: “Ở đây thì thu nhập bấp bênh, ngày có ngày không vậy đó. Đồ thì người ta chịu gửi lại đây, gửi tiền lại luôn thì mình đi mua đồ mình thay, người ta chịu thì còn đỡ. Còn nhằm người thì người đi nói thôi để đi chợ luôn, rồi người ta ra chợ cũng nhiều tại mình không có đồ sẵn á”.

Mỗi ngày anh Cầu lại tích cực nhận thêm việc từ hàng xóm thuê mướn mới đủ cho tiền cơm gạo hàng ngày. Ngọc Quỳnh, Ngọc Vi và Trâm Anh 3 đứa con anh Cầu, sau mỗi buổi học trên lớp cũng theo cha lặn lội đồng sâu, mò cua bắt ốc, đỡ đần cho cha vơi bớt gánh lo toan. Mơ ước được một số vốn dự trữ thiết bị điện, phục vụ cho công việc hiện tại, kết hợp với chăn nuôi gà tích lũy để cho con ăn học là mục tiêu hiện tại của anh Cầu.

Cùng hoàn cảnh đơn thân nuôi con là câu chuyện của chị Nguyễn Mỹ Nương, cùng quê với anh Cầu. Chị Nương kể lại: “Hai vợ chồng cắn đắng, cự cãi rồi em về bên ngoại, hai đứa nhỏ theo em luôn. Em đi bán vé số rồi lụm ve chai, ngày được chừng 100, có bữa vài chục để mua gạo nước mắm đồ nuôi mấy đứa nhỏ”.


Kể từ ngày ly hôn chồng, đến nay đã hơn 6 năm chị Nương phải một mình chống chọi với bao chông gai của cuộc mưu sinh. Thế nhưng hiện tại chị lại mắc phải căn bệnh nhiễm độc giáp khiến cuộc sống gia đình rất bế tắc. Văn Hiếu năm nay đang là sinh viên năm nhất ngành Luật trường ĐH Cửu Long, còn Kim Ngân cũng đang học lớp 5, hai anh em luôn cố gắng học tập để mẹ vui lòng.

Chị Nương nói trong nước mắt: “Em kêu thôi con gắng học, mẹ lo tới đâu thì tới. Mà bữa nhập học nó xin vài chục đổ xăng mà em nói thiệt tình bây giờ mẹ không có, rồi thằng nhỏ đi mà trong mình không có ngàn nào”. Người mẹ nghèo vẫn tất tả ngược xuôi, góp nhặt từng đồng tiền ít ỏi từ những vỏ ve chai phế liệu để nuôi con ăn học trong muôn vàn khốn khó, may mắn thay, bên sự quyết tâm của chị Nương, sự hỗ trợ quý báo của nhà trường, địa phương và bà con lối xóm… đã tiếp thêm động lực cho mẹ con chị vững vàng bước qua nghịch cảnh.

Chị Nương mơ ước có vốn để đi mua ve chai để có tiền nhiều hơn lo cho con đi ăn học. Lựa chọn công việc mở vựa ve chai đã có kinh nghiệm là điều rất hợp lý với hoàn cảnh của chị Nương lúc này. Công việc không quá nặng nhọc phù hợp với sức khỏe hiện tại của chị, việc thu mua ve chai lại đòi hỏi ít vốn, xoay đồng lời nhanh. Là hướng mưu sinh khá ổn định cho người mẹ đơn thân này.

Cùng gánh vác trách nhiệm trụ cột gia đình, cùng mơ ước có một số vốn để bắt tay vào thực hiện những dự định đang ấp ủ. Ai trong hai anh chị sẽ hoàn thành thử thách tốt hơn và mang về số vốn cao nhất để thực hiện ước mơ mua bán của mình.

Hành trình thực hiện mơ ước của chị Nguyễn Mỹ Nương và anh Lê Văn Cầu trong chương trình “Chuyến xe nhân ái”, phát sóng lúc 19h15 thứ Bảy thứ bảy hàng tuần trên kênh THVL1.

MT

Tin liên quan

VĂN HÓA - XÃ HỘI 1965156303417770525

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Hot in week

Recent

Comments

item