Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương cùng lúc ra mắt 2 tập sách

(DNTH) - Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương đã có buổi giao lưu ra mắt tập ca khúc thiếu nhi "Mười hai con giáp" và tập sách ảnh nghệ thuật ...

(DNTH) - Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương đã có buổi giao lưu ra mắt tập ca khúc thiếu nhi "Mười hai con giáp" và tập sách ảnh nghệ thuật "Lang thang miền thuỳ dương" với nhiều bạn bè, khán giả hâm mộ. Nhạc sĩ Con đường đến trường cho biết, những tác phẩm này nhận được sự ủng hộ lớn của bạn đọc.

Là một nhạc sĩ nổi tiếng được nhiều khán giả yêu mến với các ca khúc dành cho bạn trẻ, như Con đường đến trường, Khung trời mơ ước, Như cơn gió vô tình, Vầng trăng cổ tích (thơ Đỗ Trung Quân), Mùa hè sinh viên... Phạm Đăng Khương còn được bạn bè đồng nghiệp đánh giá là một người đa tài bởi anh đam mê nhiều lĩnh vực nghệ thuật.

Ngoài việc sáng tác nhạc, giai đoạn sau này nhạc sĩ Phạm Đăng Khương còn tự thiết kế phòng thu âm, quay phim, dựng phim, chụp hình nghệ thuật, đạo diễn những bản video và karaoke cho ca sĩ, người hâm mộ; tham gia làm phim du lịch ở rất nhiều nước trên thế giới cho các công ty du lịch nổi tiếng. Đặc biệt, anh còn viết sách, với lối kể chuyện hài hước duyên dáng, đồng thời tự thiết kế mỹ thuật những tập sách, tập nhạc... của mình.


Ngày 20/11, tại Nhà văn hoá Thanh Niên, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương cũng chính thức công bố hai ấn phẩm sách được đầu tư công phu, in màu đẹp do chính anh trình bày mỹ thuật.

Đó là tập sách nhạc thiếu nhi Mười hai con giáp với 12 bài hát dễ thương viết về 12 con vật quen thuộc gần gũi, tượng trưng cho số mệnh, tuổi tác của mỗi người theo truyền thuyết phương Đông nói chung và Việt Nam.
  

Phần lời bài hát do chính vợ anh- tác giả thơ Hồ Thu Hà sáng tác, được dịch nghĩa sang tiếng Anh để các em thiếu nhi ở nước ngoài có thể hiểu được nội dung bài hát và tự học hát bằng tiếng Việt dễ dàng hơn.

Những bài hát này đều được quay phim, dựng thành video và karaoke do các em thiếu nhi ở Trung tâm Đào tạo Green Art Academy trình diễn, được đăng tải lên YouTube để công chúng có thể thưởng thức và tập hát dễ dàng.


Trong buổi giao lưu, các ca khúc trong tập bài hát thiếu nhi Mười hai con giáp đã được các ca sĩ nhí trình bày như: Chuột bạch nhà em, Con trâu già, Cọp nhớ rừng xanh, Mèo con nho nhỏ, Rồng linh thiêng, Con rắn miền quê,...

Các ca khúc trong Mười hai con giáp dưới góc nhìn hồn nhiên của nhạc sĩ trở nên sống động hài hước và dễ thương. Khi hiện tại ít có các ca khúc viết dành cho thiếu nhi, các bài hát của nhạc sĩ Phạm Đăng Khương giúp cho các em có thêm những bài hát hay và ý nghĩa, phù hợp với lứa tuổi của mình và qua đó có thể hiểu hơn về những con vật rất gần gũi, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc trong đời sống hằng ngày.


Cũng tại buổi giao lưu, tác giả giới thiệu tập sách ảnh nghệ thuật 'Lang thang miền Thuỳ Dương' do anh tự chụp khi tham gia Trại Sáng tác ảnh do Hội Nhiếp ảnh TP.HCM tổ chức tại Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hội An trong thời gian gần đây. Sau đó anh cũng chuyển thành năm tập phim thời sự nhưng khá cuốn hút về nội dung của trại sáng tác ảnh vừa qua. Tất cả đều được giới thiệu trên YouTube để công chúng dễ dàng thưởng thức.


Chia sẻ về lý do "lấn sân" nhiếp ảnh, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương cho biết: "Như một gã lãng du rày đây mai đó, tôi rong chơi khắp miền đất nước, khắp chốn địa cầu mỗi khi có dịp, mỗi khi được bạn bè rủ rê... Sứ mệnh của Khương lần này là ghi lại những hình ảnh, hoạt động đó bằng những thước phim, giữa một rừng ống kính, tuy nhiên thỉnh thoảng cũng ráng len lỏi trong từng ngóc ngách để có được những bức ảnh kỷ niệm chuyến đi...

Cuốn sách ảnh nho nhỏ được mình thực hiện từ A đến Z, từ chụp ảnh, quay phim, viết lời bình, dựng phim, viết nhạc, thiết kế... với mục đích thoả mãn đam mê".
  

Là người gắn bó cả cuộc đời, dành trọn thanh xuân với công tác thanh niên, từ năm 1977, khi còn là sinh viên Khoa Toán Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, anh đã theo học lớp Sáng tác ca khúc ở NVH Thanh Niên. Sau đó nhạc sĩ trở thành hội viên của Câu lạc bộ Sáng tác trẻ Thành Đoàn.

Năm 1991, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương giữ nhiệm vụ là Trưởng phòng Văn hoá Nghệ thuật rồi Phó Giám đốc Nhà Văn hoá Thanh Niên đến khi nghỉ hưu vào năm 2017. Anh tốt nghiệp bậc Đại học, Nhạc viện TP.HCM, Khoa Lý luận - Sáng tác – Chỉ huy, năm 1998.

Qua bao nhiêu năm sinh hoạt và làm việc tại Nhà văn hóa Thanh Niên, anh đã có rất nhiều ca khúc về thanh niên, nhiều ca khúc của anh được chọn làm bài hát chính thức trong các dịp lễ hội lớn: Sài Gòn 300 năm (1998), Thanh niên vì ngày mai (bài hát chính thức của Đại hội Đoàn TP.HCM, 1995), Khi Tổ quốc cần (bài hát chính thức của Đại hội Thanh niên Việt Nam, 2010)...

Minh Tuyền 

Tin liên quan

VĂN HÓA - XÃ HỘI 8147271318733651990

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Hot in week

Recent

Comments

item