VITAS: Ngành dệt may dự kiến đạt 42 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2022

(DNTH) - Đó là chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang (VITAS) tại buổi Họp báo Hội nghị Tổng kết Hiệp hội Dệt May Việt ...

(DNTH) - Đó là chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang (VITAS) tại buổi Họp báo Hội nghị Tổng kết Hiệp hội Dệt May Việt Nam 2022 ngày 18/11 tại TP. Hồ Chí Minh.

Theo VITAS thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Mỹ chiếm 13,9 tỷ USD, đứng thứ 2 là thị trường các nước trong hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với gần 4,8 tỷ USD và đứng thứ 3 là thị trường các nước EU với gần 3,4 tỷ USD, Hàn Quốc đứng thứ 4 với 2,5 tỷ USD.

Báo cáo của VITAS cho hay, hiện nhiều doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn khó khăn, chịu áp lực rất lớn. Có thể kể đến như việc các đơn hàng tháng 11 - 12 năm nay, và quý I/2023 sụt giảm, mức bình quân giảm từ 25 - 27%.

Đặc biệt, với doanh nghiệp làm hàng gia công, sự suy giảm này càng nặng hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải chịu áp lực từ lãi suất ngân hàng tăng, mua nguyên phụ liệu và tỷ giá chênh lệch.

Nhiều đơn vị đã phải chuyển từ sản xuất may mặc sang làm túi xách cho các siêu thị để có công việc cho người lao động, giữ chân họ trong khi chờ ngành dệt may phục hồi vào năm sau. Chúng tôi nhận định sự phục hồi mạnh mẽ sẽ rơi vào quý III - IV/2023" - ông Vũ Đức Giang thông tin.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - trả lời các câu hỏi của phóng viên tại họp báo sáng 18/11

Tuy vậy, theo báo cáo của VITAS, 10 tháng qua, ngành dệt may ghi nhận sự nỗ lực của doanh nghiệp và nhiều điểm sáng. Xuất khẩu trong 10 tháng qua đạt gần 38 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ 2021. Đây là nỗ lực rất lớn và là tiền đề để toàn ngành đạt xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm nay.

Sự đa dạng của doanh nghiệp khi xuất khẩu tới 66 nước và vùng lãnh thổ; trong đó thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, các nước khu vực CPTPP, Hàn Quốc và Trung Quốc...

Theo ông Vũ Đức Giang, có được kết quả trên là nhờ Việt Nam đã mở cửa hội nhập với 15 hiệp định thương mại có hiệu lực. Đó là nền tảng tạo ra sự đa dạng hóa thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp ngành dệt may đang đẩy nhanh chuyển đổi từ sản phẩm dệt may gia công sang thương hiệu riêng của doanh nghiệp, phát triển quản trị số, chuỗi cung ứng, tự chủ, bắt kịp xu thế xanh hóa, phát triển bền vững với những loại sợi mới từ cây gai, lông cừu.

"Chúng ta nhìn nhận việc lạm phát, đồng tiền mất giá, sức mua của các nước lớn giảm là rủi ro. Nhưng thời gian vừa qua, đây chính là áp lực buộc doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường. Nhiều doanh nghiệp trong khó khăn vẫn tăng trưởng như May Việt Tiến, May 10, Nhà Bè, An Phước... " - ông Vũ Đức Giang nói.

VITAS nêu kịch bản xuất khẩu năm 2023, ngành dệt may đặt mục tiêu đạt 45-47 tỷ USD tuỳ thuộc vào diễn biến của tháng 11-12/2022. Nếu sức mua toàn cầu có những thay đổi tích cực thì sẽ đưa ra mục tiêu điều chỉnh trong thời gian tới. Đây cũng là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp tái cấu trúc, đầu tư sản xuất theo mô hình xanh hóa, đón đầu thị trường dệt may thế giới ngày càng chú trọng các tiêu chuẩn phát triển bền vững.

Mục tiêu từ nay tới năm 2025, Việt Nam sẽ có 20 thương hiệu thời trang không chỉ trong nước mà còn vươn ra tầm thế giới. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò kết nối các doanh nghiệp trong nước với nhau và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu; phối hợp với các tổ chức quốc tế lớn triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về quản trị, chuyển đổi xanh, công nghệ mới, thiết kế, xây dựng thương hiệu...

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt giao lưu, quảng bá hình ảnh; truyền tải kịp thời thông tin về ngành, kinh tế-xã hội trong nước và thế giới đến hội viên.

Khải Hoàng

Tin liên quan

TIÊU ĐIỂM 8640094710116651001

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Hot in week

Recent

Comments

item